Năm 2022, các hoạt động toàn diện của Hội Chăn nuôi Hà Nội đã góp phần đẩy mạnh phong trào chăn nuôi của thành phố Hà Nội đạt được những thành quả khả quan.
Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam
Hiện nay, Hà Nội có đàn lợn đạt trên 1,5 triệu con đứng thứ 2 cả nước, 31 triệu con gia cầm, 15 vạn trâu, bò, đáp ứng nhu cầu về thịt lợn, gia cầm cho thành phố. Thành phố có trên 700 trang trại chăn nuôi quy mô lớn từ 2000-5000 lợn thịt, 5-10 vạn gia cầm/ 1 trang trại, nhờ đó giá trị tổng sản phẩm chăn nuôi đã đạt trên 55% giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Theo đánh giá của ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, năm 2022, phong trào chăn nuôi của thành phố có nhiều thuận lợi như: giá bán lợn, gia cầm, trứng tăng, bệnh dịch tả lợn được khống chế, nhu cầu thực phẩm chất lượng cao, an toàn ngày càng tăng tạo điều kiện để nông dân khôi phục và phát triển gia súc gia cầm qua đó nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm, tuy nhiên chăn nuôi cũng có một số khó khăn như giá thức ăn tăng 17 lần trong 1 năm, cuối năm giá thịt lợn giảm còn 54-55.000đ/kg, khiến người nuôi không có lãi, cúm gia cầm H5N1 lẻ tẻ xuất hiện…
Trong tình hình đó, Hội đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động đạt được những kết quả sau: Duy trì hoạt động và sinh hoạt của Hội và các chi hội: Nhiều chi hội đã động viên, giúp đỡ hội viên phòng dịch, hỗ trợ vốn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ… Một số chi hội đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới như chi Hội Chăn Nuôi xã Tân Minh (Sóc Sơn).
Cũng theo ông Bùi Tuấn Khải, thường trực Hội duy trì lịch làm việc trong tuần, thường xuyên thông báo tình hình chăn nuôi, dự báo thị trường tiêu thụ, hướng dẫn giải pháp phòng dịch và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các chi hội. Thông qua các nội dung trên các chi hội và ban chấp hành đã góp phần khuyến khích hội viên yên tâm phát triển chăn nuôi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trong tình hình đó, Hội đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động đạt được những kết quả quan trọng.
Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi mới
Thường trực Hội đã xác định tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về chăn nuôi cho hội viên và nông dân là nội dung chủ đạo trong năm, do vậy năm 2022 hội đã cho tổ chức 04 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu bò thịt, chăn nuôi lợn, nuôi gia cầm theo hướng sinh học chất lượng cao, an toàn tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, cho hội viên và nông dân. Thông qua tập huấn Hội đã hướng dẫn các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, chế biến thức ăn, xử lý môi trường, phòng dịch… giúp hội viên tăng năng suất, sản lượng thịt trứng, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận chăn nuôi.
Hội đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo về “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi” với trên 100 đại biểu các huyện, doanh nghiệp, trang trại, hội thảo đã góp phần đề xuất các kiến nghị về chính sách hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp trang trại, hộ gia tăng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
Hội đã tham gia hội thảo và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Trong đó có chăn nuôi) do Liên hiệp Hội KHKT, Sở NN&PTNT, UBND Huyện Hoài Đức tổ chức.
Tiếp tục thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hội đã tham gia đóng góp ý kiến về luật, thủ đô sửa đổi luật sở hữu trí tuệ, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chương trình đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ của thủ đô, với mặt trận tổ quốc Thành phố, đoàn đại biểu quốc hội, đóng góp ý kiến về giải pháp đẩy mạnh chương trình nông thôn mới giai đoạn 2020 đến 2030 với UBND Thành phố HN.
Hội tiếp tục tư vấn về chương trình (phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao) với công ty cổ phần giống gia súc. Thông qua tư vấn, Hội đã góp phần giúp công ty triển khai chương trình có kết quả sản xuất 240.000 bê lai F1(BBB x Lai Sind) giải quyết 16.000 việc làm, tăng lợi nhuận trên 1.200 tỷ đồng cho nhân dân ngoại thành.
Tăng cường phát triển Hội
Trong năm 2022, nhiều chi hội đã tích cực duy trì hoạt động, giúp đỡ, hỗ trợ hội viên phát triển chăn nuôi, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Các chi hội xã Phù Lưu ( Ứng Hòa), Minh Tân( Phú Xuyên), Bắc Phú, Minh Phú, Mai Đình ( Sóc Sơn), Thụy An ( Ba Vì)… đã giúp hội viên gia tăng quy mô chăn nuôi, nhiều hội viên đã nuôi 20-25 bò thịt, 5-10 bò cái sinh sản, 200-300 lợn thịt, 10.000 gà thịt/hộ đem lại thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.
Công ty cổ phần giống gia súc Hà nội tiếp tục sản xuất giống phục vụ tăng cường chất lượng đàn Trâu, bò, lợn của thành phố. Năm 2022 công ty sản xuất 75.000 liều tinh bò BBB và bò ngoại chất lượng cao, phối giống cho 50.000 bò cái, trong đó bước đầu có 26.000 bò cái có chửa, sản xuất 25.000 bê lai, sản xuất và cung ứng trên 100.000 liều tinh lợn Gien + góp phần nâng tỷ lệ lợn nái được thụ tinh nhân tạo lên 95%. Thông qua hoạt động trên, công ty đã giúp các hộ chăn nuôi tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Công ty đã mở rộng liên kết hỗ trợ 16 tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, phát triển chăn nuôi bò lai (BBB x Sind) nuôi thịt đạt kết quả tốt.
Hội chăn nuôi gà đồi Ba Vì đã giúp hội viên ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi gia cầm sinh học đạt năng suất và chất lượng cao. Nhiều hộ đã chăn nuôi quy mô 5000 gà mái đẻ, 25-30.000 gà thịt, xây dựng xưởng chế biến thức ăn, xưởng giết mổ và sơ chế gà, bước đầu tạo liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hà Ngân
Phương hướng hoạt động năm 2023
Duy trì hoạt động Hội, tăng cường và cải tiến nội dung hoạt động của các chi hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, lấy việc hướng dẫn hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, phòng trừ dịch bệnh,… là chủ yếu. Hội sẽ giúp đỡ một số chi hội còn sinh hoạt chưa đều, kém hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động của các Ban Khoa học công nghệ, tư vấn, phản biện để phát huy các hoạt động đóng góp cho phong trào chăn nuôi của thành phố.
Tăng cường các hoạt động Khoa học Kĩ thuật: Hội phấn đấu tổ chức từ 5-6 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, xử lý môi trường, chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh. Phối hợp với sở NN&PTNT, Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội tổ chức 2 Hội thảo chuyên đề về chăn nuôi.
Hội cũng chuẩn bị nội dung, nhân sự Ban chấp hành để tổ chức Đại hội Hội chăn nuôi nhiệm kì VII (giai đoạn 2023-2028) vào đầu quý II-2023.
TS NGUYỄN XUÂN DƯƠNG – CHỦ TỊCH HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM: Bảo vệ và ủng hộ doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi nhưng không đẩy những người chăn nuôi ra ngoài “cuộc chơi”
Hội Chăn nuôi Hà Nội đang có những nguồn lực về tài chính, trụ sở văn phòng tốt nhất trong hệ thống các tỉnh Hội của Hội Chăn nuôi Việt Nam.
Thời gian tới, Hội Chăn nuôi Hà Nội cần thay đổi nữa để hoạt động hiệu quả hơn. Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ đồng hành cùng Hội Chăn nuôi Hà Nội sẽ làm điểm về cơ chế hoạt động.
Chúng ta tổ chức lại nhân sự, tạo điều kiện cho mọi người cống hiến cho ngành chăn nuôi suốt đời. Nhưng ai làm thì phải có sức khỏe, chuyên nghiệp, nhiệt huyết. Bởi lẽ, nếu hiệp hội ngành hàng không thiết thực, chuyên nghiệp, thiết thực hơn, hiệu quả và khả thi, thì sẽ không giữ chân dược các hội viên, nhất là các hội viên trẻ. Chúng ta đưa nội dung khả thi để cho những hội viên được chia sẻ thông tin; bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi; phản biện chính sách chăn nuôi ở huyện, xã mình, địa phương; tăng cường phổ biến kiến thức cho các chính hội viên của Hội bằng những lớp tập huấn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng sẽ thay đổi làm sao tiếng nói, thông điệp thật của người chăn nuôi được Nhà nước lắng nghe như chính sách thuế, chính sách đất đai…Chăn nuôi vẫn là sinh kế cho nhiều người nông dân, vốn đã đi theo Nhà nước từ khẩu hiệu Người cày có ruộng. Hội Chăn nuôi Hà Nội và Hội Chăn nuôi Việt Nam bảo vệ và ủng hộ doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi nhưng không đẩy những người chăn nuôi ra ngoài “cuộc chơi”.
ÔNG TRẦN ĐÌNH THÀNH – CHỦ TỊCH HỘI CHĂN NUÔI VÀ TIÊU THỤ GÀ ĐỒI BA VÌ: Cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm và giảm giá thành sản xuất
Cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm và giảm giá thành sản xuất xuống. Nó là nghịch lý nhưng phải giải quyết được vấn đề đó. Hiện nay, HTX đang thực hiện trộn thức ăn chăn nuôi và chênh lệch được 3.000 đồng/kg thức ăn so với mua ở ngoài. Cùng với đó, các sản phẩm gà đồi cần phải giữ được uy tín chất lượng, nếu không thì tiêu thụ cực kỳ cực kỳ khó trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Hội nên tuyên truyền để người chăn nuôi biết đến chuỗi, dù là chăn nuôi nhỏ lẻ, vì nếu không đi được từ A-Z thì sớm muộn cũng khó tồn tại trong giai đoạn chăn nuôi khó khăn và cạnh tranh như hiện nay.
Hà Ngân ghi