Thực hiện QĐ 3098 ngày 29 tháng 8 năm 2022 của UBND thành phố về ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Hà Nội giai đoạn 2012 – 2025. Trong nội dung để thực hiện Bộ tiêu chí này có nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Đó là mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa và các khâu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực được bán qua kênh thươg mại điện tử. Đấy là nội dung chính trong Hội thảo khoa học được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và UBND huyện Thường Tín tổ chức sáng ngày 22 tháng 9 năm 2023.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư thành ủy, chủ nhiệm Chương trình 07; Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và đồng chí Tạ Hữu Thọ, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín. Tham gia Hội thảo có đại diện các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương, các Ban ngành của Thành phố, huyện Thường Tín; đại diện một số Hợp tác xã đang thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất; các Đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cùng đông đảo các nhà khoa học .
Đồng chí Nguyễn Văn Phong phó Bí thư thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo chương trình 07/TU phát biểu
Đồng chí Lê Xuân Rao chủ tịch HUSTA phát biểu
Hội thảo đã được nghe đại diện Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hà Nội trao đổi về Định hướng chính sách chuyển đổi số góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện Chương trình của Thành ủy, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng 5 mục tiêu ứng dụng công nghệ số đến năm 2025 là: Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với chỉ tiêu 100% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; 100% chuỗi sản xuất cung ứng nông lâm sản an toàn, có tham gia truy xuất nguồn gốc; Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới và tập trung xây dựng mô hình điểm tại xã Dương Xá Gia Lâm, vận động mỗi huyện có 1 mô hình điểm tại chỗ. Thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đi vào triển khai ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Đồng chí Tạ Hữu Thọ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện phát biểu
Hội thảo đã nghe các báo cáo về kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và những vướng mắc cần được tháo gỡ tại các Hợp tác xã: Rau quả sạch Chúc Sơn Chương Mỹ; Hợp tác xã Hoa lan Đan Hoài Đan Phượng và Hợp tác xã Rau sạch Thanh Hà Thường Tín. Các Đơn vị nghiên cứu , ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã báo cáo nhiều ứng dụng tốt như Chiếu sáng giao thông, chiếu sáng trong nhà kính, nhà lưới trồng rau hoa của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Vbee AI Cách mạng hóa trải nghiệm với công nghệ giọng nói nhân tạo tự nhiên như con người, của Công ty CP dịch & giải pháp xử lý dữ liệu VBEE; Giải pháp thương mại điện tử vi mô (MeC) cho nông nghiệp của Liên minh chuyển đổi số nông nghiệp (ADTA); Chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công nghệ ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau chất lượng cao. Tại Hội thảo các nhà khoa học của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nêu lên nhiều vấn đề trong việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp Hà Nội. Vấn đề các nhà khoa học đề nghị là cần làm rõ hơn cho người nông dân hiểu được khái niệm Công nghệ số ứng dụng trong nông nghiệp là gì? Giải pháp nào? Bước đi ra sao?…
Các chuyên gia góp ý phát biểu tại hội thảo
Phó bí thư thành ủy Nguyễn Văn Phong đã gợi mở nhiều vấn đề để Hội thảo quan tâm suy nghĩ. Đó là triển khai Đề án 30 trong chương trình 07 cần tập trung vào 3 mục tiêu lớn trong nông nghiệp, nông thôn Thủ đô là: Ứng dụng công nghệ số để tăng năng xuất lao động; ứng dụng số để có 30 % thực hiện thương mại điện tử và nông nghiệp Thủ đô phải phấn đấu có trên 70% ứng dụng công nghệ cao. Phải nhìn nhận đúng những hạn chế cần phải khắc phục là đặc điểm của nông nghiệp, nông thôn Thủ đô cả về quy mô, cơ sở vật chất, tư liệu sản xuất và nguồn nhân lực sản xuất chính. Sản xuất nông nghiệp Thủ đô không thể chỉ trông vào gieo trồng mà phải đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm và chú trọng đến giá trị thực tế trên từng ha canh tác. Đối với Hà Nôi tập trung mỗi xã một sản phẩm là rất phù hợp vì Hà Nội là địa phương có làng nghề truyền thống nhiều nhất cả nước. Vấn đề là đưa ứng dụng số vào để nâng cao chất lượng mặt hàng mà vẫn bảo tồn được nghề truyền thống đã có…Những vấn đề khoa học công nghệ 4.0 cần phải nghiên cứu để đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội thực sự hiệu quả. Phát huy kết quả từ Hội thảo này, LHH Hội KHKT thành phố cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu và gắn với cơ sở, hướng về cơ sở hơn.
Hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Thường Tín đã được đánh giá có chất lượng và thực chất vào yêu cầu hiện nay của Hà Nội.
BBT