Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính nhờ có phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới tạo ra được các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.
Đó là chủ đề chính đã được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo sáng nay ngày 11 tháng 9 năm 2024 tại Trụ sở Liên hiệp Hội.
Tham gia Hội thảo có TS Lê Xuân Rao Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội. Đại diện Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Chi Cục trồng trọt Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, đại diện một số Viện Khoa học, các nhà Khoa học chuyên ngành và một số Hội thành viên trực thuộc Liên hiệp Hội.
TS Lê Xuân Rao khai mạc hội thảo. GS TS Lê Khắc Thi nguyên Viện trưởng Viện Rau quả Việt Nam chủ trì buổi hội thảo.
Hội thảo đã nghe 8 bản tham luận về Thực trạng và Đề xuất giải pháp, về tác động các chính sách và các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội được cụ thể hóa tại Chương trình 04 – CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình 07 – CTr/TU về : “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021 -2025”, Nghi quyết 08/2023/NQ – HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Hà Nội là một trong những tỉnh thành phố có diện tích trồng trọt lớn tại vùng Đồng bằng Sông Hồng. Diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng trên 225.000 ha, trong đó diện tích cấy lúa đạt 155.000ha, rau xanh 32.000ha. Hiện nay toàn thành phố có 266 tổ chức và hộ cá thể có ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Đã có 55 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần có các giải pháp sau: Trước hết phải có quy hoạch, xác định rõ từng vùng rõ ràng. Hai là phải có cơ chế chính sách, có liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao. Ba là có giải pháp thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động tiêu thụ chế biến nông sản. Thứ tư là phải đẩy mạnh hơn việc đưa các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và cuối cùng là cần giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công nghệ cao trong sản xuất.
Hội thảo đã nghe báo cáo Thực trạng và các giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, trồng trọt. Để hỗ trợ cho công tác ứng dụng có hiệu quả còn có các tham luận về tác động chính sách, tổ chức chứng nhận doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao hay cần thiết tổ chức phố biến, chuyển giao công nghệ đến người dân.
Hội thảo đã được sự quan tâm của các hội thành viên nhằm sớm đưa được nhiều công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp những năm tới.
BBT