Sáng ngày 19 tháng 3 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM) đã có buổi gặp mặt đoàn công tác của Đại học Công nghệ Dortmund và Tập đoàn Wilo SE trong khuôn khổ tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy mở rộng nghiên cứu khoa học và đồng thời giới thiệu công trình thí điểm phủ xanh kết hợp hệ thống bơm thông minh và ứng dụng cảm biến IoT vi khí hậu cho giải pháp khu đô thị thông minh do Đại học Công nghệ Dortmund đang triển khai tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt có PGS. TS. Ngạc An Bang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên; TS. Dương Ngọc Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM); Ông Daniel Roos đại diện Cơ quan Quản lý dự án thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV), Cộng hòa liên bang Đức; GS. TSKH. Nguyễn Xuân Thính, Đại học Công nghệ Dortmund, Giám đốc Dự án “Khu đô thị thông minh“ được tài trợ bởi Bộ Môi trường CHLB Đức (BMUV) và là một phần của Sáng kiến Xuất khẩu Bảo vệ Môi trường (EXI); Ông Gero Boehmer, Giám đốc quản trị và hợp tác quốc tế Tập đoàn Công nghệ Wilo SE cùng nhiều giảng viên, cán bộ, và sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
PGS.TS. Ngạc An Bang phát biểu.
Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, PGS.TS. Ngạc An Bang Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biểu chào mừng đoàn công tác và chia sẻ ý kiến về quá trình đô thị hóa, chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ và những thách thức của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản trong việc thiết kế các thành phố tương lai của chúng ta. Các giải pháp đổi mới đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này trên toàn thế giới.
Ông Daniel Roos phát biểu.
Ông Daniel Roos, Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Đức (BMUV), trưởng đoàn chia sẻ lý do cần thiết để Dự án “SMART URBAN AREAS (SUA) Sustainable System Solutions for Urban Development” được Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ và triển khai tại Việt nam. Dự án SUA là một ví dụ mang tính sáng tạo và có kết quả cụ thể trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xây dựng tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững cho Việt nam. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có tài trợ của nước ngoài hợp tác với một đối tác tư nhân của Việt Nam – Tập đoàn Vingroup/Vinhomes – trong việc tăng trưởng xanh đô thị. Dự án tiên phong này đúng với định hướng phát triển hợp tác quốc tế của chính phủ Việt Nam với sự tham gia của doanh nghiệp vào công cuộc phát triển xanh bền vững đô thị Việt Nam. Nó cũng chính là hình tượng mẫu cho sự hợp tác song phương tốt đẹp trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển đô thị bền vững giữa Việt nam và Cộng hòa Liên Bang Đức.
TS. Dương Ngọc Bách phát biểu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS. Dương Ngọc Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM) chia sẻ tiềm năng ứng dụng khoa học vào bảo vệ môi trường và thích ứng biển đổi khí hậu tại thành phố. Mật độ xây dựng cao ở thành phố Hà Nội để lại rất ít không gian cho trồng cây xanh làm mát. Do đó, việc triển khai phủ xanh mặt tiền và mái nhà có tầm quan trọng đặc biệt và có thể tạo ra hiệu ứng làm mát tương đương với các công viên lớn thông qua việc triển khai đồng bộ rộng rãi.
Tại thời điểm này, dự án nghiên cứu Khu đô thị thông minh Đức-Việt (SUA) đã đi vào giai đoạn thực hiện. Cùng với Tập đoàn sản xuất máy bơm hiệu năng cao đang hoạt động trên toàn cầu Wilo SE và Tập đoàn xây dựng Group / Vinhomes là những đối tác thiết thực, các biện pháp thích ứng với khí hậu và tiết kiệm năng lượng, dưới hình thức phủ xanh mái nhà và mặt tiền, cũng như việc sử dụng máy bơm hiệu suất cao, sẽ được thử nghiệm và đồng hành về mặt khoa học trong ba năm (2022-2025) tại các tòa nhà thử nghiệm ở Hà Nội, Việt Nam.
Để thực hiện dự án, bản sao kỹ thuật số của các tòa nhà được chọn ở Việt Nam sẽ được tạo ra, bản sao này cũng sẽ phục vụ việc lưu trữ và liên lạc dữ liệu liên tục thông qua các phép đo thời gian thực bằng cảm biến hiện đại. Bản sao kỹ thuật số sẽ cung cấp thông tin không chỉ về vật liệu, thành phần xây dựng mà còn về việc cung cấp nước tưới bằng máy bơm hiệu suất cao, thông tin động lực học mặt ngoài toà nhà, vi khí hậu và ảnh hưởng của việc phủ xanh tòa nhà.
GS.TSKH. Nguyễn Xuân Thính phát biểu
GS.TSKH. Nguyễn Xuân Thính, Giám đốc Dự án “Khu đô thị thông minh“ giới thiệu đến Nhà trường tòa nhà thí điểm tại số nhà 40, ngõ 82 Yên Lãng, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội. Đây là tòa nhà nằm trong chuỗi hệ thống Thuốc Việt. Thuốc Việt là một chuỗi hệ thống thuốc uy tín và chất lượng tại việt Nam. Kiến trúc tòa nhà đặc trưng phản ánh loại hình nhà ống phổ biến ở Việt Nam, tạo điều kiện dễ dàng cho sự nhân rộng và phổ biến rộng rãi cho tất cả các đô thị ở Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (CEMM) và Đại học Công nghệ Dortmund đã chọn tòa nhà này để làm thí điểm nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ máy bơm thông minh, cảm biến IoT, phủ xanh nhà và mô phỏng 3D vi khí hậu nhằm tiết kiệm năng lượng và cải thiện môi trường không khí.
Ông Nguyễn Hữu Chung – thành viên Hội đồng Quản trị chuỗi Siêu thị Thuốc Việt phát biểu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hữu Chung- thành viên HĐQT chuỗi Siêu thị Thuốc Việt – chuỗi nhà thuốc đã có uy tín nhiều năm với chi nhánh khắp cả nước, bày tỏ sự may mắn và vinh dự khi tòa nhà thuộc chuỗi hệ thống đã được chọn làm nơi thực hiện dự án đô thị xanh thông minh. Điện năng tiêu thụ hàng năm là một trong những vấn đề quan trọng của tòa nhà. Hàng tháng chuỗi Siêu thị phải chi trả một khoản tiền không hề nhỏ cho tiêu thụ điện năng, đặc biệt là vào giai đoạn nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện lại càng tăng cao. Ông Chung tin tưởng dự án sẽ có thể tối ưu và tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho tòa nhà.
PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN tặng quà lưu nhiệm cho đoàn công tác
Dự án được đặc trưng bởi cách tiếp cận xuyên ngành, trong đó khoa học dựa trên bằng chứng tương tác với các bên thực hành trong ngành và xây dựng để kích thích sự chuyển đổi lâu dài theo hướng quy hoạch xây dựng bền vững ở Việt Nam. Việc kết hợp kiến thức hàn lâm và phi hàn lâm thách thức tất cả các đối tác của dự án mở rộng tầm nhìn kiến thức của riêng họ và cho phép các ý tưởng thay thế để đạt được các mục tiêu chung. Mặc dù quá trình đàm phán và thực hiện phủ xanh, lắp đặt máy bơm thông minh và IoT vi khí hậu tại tòa nhà gặp trở ngại và tốn nhiều thời gian, nhưng lý tưởng nhất là nó tạo ra những hiểu biết hữu ích cho cả khoa học và xã hội thông qua việc trao đổi thực hành và học hỏi lẫn nhau.
TS. Lê Hữu Tuyến, Phó trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển, Trường ĐHKHTN cùng các thành viên đoàn công tác thăm tòa nhà thí điểm dự án
Với việc phủ xanh tòa nhà, lắp đặt máy bơm thông minh và cảm biến vi kí hậu thí điểm đầu tiên và tiến hành đo lường cảm quan, dự án đang bước vào giai đoạn thực hiện và kiến tạo dữ liệu từ tháng 3 năm 2024 trở đi, giai đoạn này có giá trị đặc biệt cho sự hợp tác tiếp theo giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ Dortmund và Tập đoàn Wilo SE.
BBT