Trong một bài giới thiệu về kết quả nghiên cứu của Phòng nghiên cứu vật liệu Polymer và Composite của Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam chúng tôi đã cung cấp quá trình nghiên cứu các tác nhân gây ra cháy lan và tìm ra các loại vật liệu có thể xử lý các tác nhân ấy. Đây thật sự là một vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội bởi lẽ mỗi năm có hàng ngàn vụ hỏa hoạn làm thiệt hại rất lớn về người và của cải. Vậy các nhà khoa học của Viện đã có những kết quả nào có thể tạo ra các sản phẩm hạn chế được hỏa hoạn?
Vừa qua các nhà khoa học của Phòng nghiên cứu Polymer và Composite của Viện Khoa học vật liệu đã thử nghiệm thành công sản phẩm sơn chống cháy lan chứa các nguyên liệu khoáng sản được khai thác từ các mỏ trong nước.
Đó là vật liệu Polymer phồng nở. Loại vật liệu này đã được chú ý như là một loại vật liệu bảo vệ chống cháy có nhiều ưu điểm vượt trội có thể sử dụng thay thế các dạng vật liệu bọc bảo vệ lửa cháy lan truyền thống như: gạch, vữa, thạch cao…Qua rất nhiều thử nghiệm, các nhà khoa học của viện nhận thấy khi tiếp xúc với lửa hay ở nhiệt độ cao, các thành phần phản ứng với nhau, trương nở và tạo ra lớp vỏ bọc bảo vệ vật liệu bên trong nó khỏi nguồn nhiệt, giúp cho vật liệu cần bảo vệ duy trì ở mức nhiệt độ an toàn theo các khoảng thời gian khác nhau tùy thuộc vào chiều dầy của lớp sơn ban đầu.
Nhiều năm nay, các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước vẫn đang tập trung nghiên cứu để đưa vào lớp sơn chống cháy các chất gia cường mới nhằm tăng khả năng cách nhiệt khi cháy của lớp bảo vệ cũng như cải thiện các tính chất cơ lý của vật liệu ban đầu sau quá trình thi công.
Tại Phòng nghiên cứu vật liệu Polymer và composit, các nhà khoa học đã sử dụng các chất độn gia cường có nguồn gốc khoáng sản như khoáng tale, khoáng sericite để gia cường cho hệ sơn chống cháy phồng nở..
Các loại khoáng này với thành phần chính là oxit silic và oxit magie ( khoáng tale) và oxit nhôm (khoáng sericit) có độ bền nhiệt độ cao, khi ứng dụng cho sơn chống cháy. Qua các thử nghiệm các nhà khoa học nhận thấy cấu trúc của lớp than hóa khi trương nở có độ bền vững cao do hình thành các thành phần được gốm hóa. Ngoài ra, cấu trúc lớp than hóa hình thành có dạng tổ ong bởi với những lỗ trống bên trong giúp khả năng cách nhiệt được cải thiện đáng kể. Không những vậy, với cấu trúc dạng vảy độc đáo, lớp sơn chống cháy chứa các loại khoáng này có độ chống thẩm nước và chống tia UV cao sẽ giúp cho tăng cường tuổi thọ khi đưa ứng dụng trên vào loại vật liệu này. Đặc biệt nó còn có tác động rất tốt đối với vật liệu thi công ở khu vực có độ ẩm cao hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc ứng dụng nguyên liệu khoáng để chế sơn chống chay lan trong các công trình điện là khả thi. Vậy có những ứng dụng cụ thể của vật liệu polymer phồng nở hay sơn chống cháy vào thực tế hiện nay ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài viết tiếp.
BBT