Nhiều năm gần đây, Chương Mỹ trở thành một trong những huyện sử dụng ít thuốc BVTV nhất nhì Hà Nội. Vậy đâu là bí quyết?
Mới đây, một phụ nữ ở bang California, Mỹ vừa bị kết án tù vì tội nhập khẩu trái phép và buôn bán trái cây nhiễm ấu trùng của loài ruồi gây hại. Một người khác bị phạt lao động công ích cùng một tội danh. Chưa bao giờ ruồi đục quả lại trở thành một vấn đề toàn cầu nóng bỏng như hiện nay.
Cứ mỗi tuần một lần anh Lê Văn Oánh – chủ vườn bưởi Diễn với 200 gốc trồng trên diện tích hơn 4.100m2 ở xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) lại thu dọn bẫy ruồi vàng để đánh đợt mới. Anh than phiền: “Tôi bắt đầu trồng bưởi 18 năm trước, lúc đó ruồi vàng có rất ít, không hiểu sao mấy năm nay chúng xuất hiện mỗi lúc một nhiều.
Ruồi vàng đục quả đến đâu là sinh ra giòi bọ đến đấy làm quả bưởi xấu mã, thậm chí nếu nặng còn bị thối và rụng hàng loạt. Các cây khác trong khu vực như ổi còn bị ruồi vàng thích tấn công hơn, đục cho không còn sót một quả chín nào nguyên lành”…
Trước đây anh Oánh dùng bẫy dính để diệt ruồi, bảo vệ mã quả, đỡ bị thối rụng nhưng năm nay được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ hướng dẫn dùng chế phẩm Ento Pro phun và đặt bẫy lồng để diệt thì hiệu quả tốt hơn hẳn. Anh bẫy ruồi theo đợt 7 ngày một lần với khoảng cách 10 mét lại treo một bẫy.
Mở nắp một cái bẫy, anh chỉ vào mấy con ruồi đã chết bên trong và bảo với tôi rằng, do mới đổ đi mấy hôm trước nên số lượng mới ít như thế. Thỉnh thoảng cán bộ huyện lại về vườn của anh để kiểm tra xem mật độ ruồi thay đổi như thế nào.
Gần đó là vườn bưởi Diễn 240 gốc rộng 4.600m2 của anh Nguyễn Đức Cảnh. Khi có những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh mà cán bộ của Trạm Bảo vệ Thực vật trước đây và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hiện nay tập huấn anh đều tham gia. Đợt thử nghiệm dùng chế phẩm sinh học Ento Pro để phun chống ruồi vàng này là một ví dụ.
“Những đợt đầu khi tất cả các vườn cùng đánh theo tập đoàn, chung một thời điểm thì số lượng ruồi vàng được rất nhiều. Chỉ mới ngồi rải thuốc mà ruồi đã đến xung quanh người rồi. Mỗi bẫy thu được 15 – 20 con, giờ chỉ còn 3 – 5 con vì số lượng đã vãn hẳn. Hiệu quả của chế phẩm này tôi thấy rất rõ rệt, kể cả so với vườn nhà bên sử dụng một loại bẫy ruồi kiểu khác”, anh Cảnh kể.
Trung bình mỗi năm vườn bưởi của anh Cảnh phải xử lý 4 – 5 đợt thuốc BVTV vào các thời điểm lúc bắt đầu ra hoa, lúc quả to như ngón tay và lúc quả to như cái chén để trị các đối tượng sâu, bệnh chính như rệp sáp, nấm, nhện đỏ. Mấy năm nay bưởi Diễn dội chợ, giá xuống thấp, người làm vườn rất vất vả tuy nhiên không xử lý ruồi vàng thì coi như công sức đổ sông đổ biển nên anh vẫn phải theo.
Anh Nguyễn Minh Mỹ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ cho biết ruồi vàng gây hại trên nhiều loại cây ăn quả như mướp, na, ổi, doi, bưởi… Khi mướp, ổi hết mùa thì ruồi vàng sẽ tập trung sang phá bưởi. Huyện có khoảng 1.000ha bưởi. Vài năm gần đây do giá bán thấp, nhiều chủ vườn chán nản, không chịu thâm canh nên ruồi vàng càng tàn phá mạnh, gây rụng quả, xấu mã.
Bởi thế năm nay đơn vị đã kết hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa chế phẩm sinh học Ento Pro vào phòng trừ ruồi vàng đục quả bưởi. Trước đó, Viện đã thử nghiệm chế phẩm trên thanh long trồng ở tỉnh Ninh Thuận, cho hiệu quả khá cao. Lúc đầu Trung tâm định chọn xã Nam Phương Tiến để triển khai mô hình nhưng khi khảo sát thấy các nhà vườn ở đây kém thiết tha với chế phẩm này so với các nhà vườn ở xã Trần Phú nên đã chuyển hướng.
Có 7 hộ với tổng diện tích 5ha bưởi được thử nghiệm. Cứ 7 – 10 ngày họ lại phun chế phẩm một lần nhưng không phải phun cho cả vườn mà phun theo điểm, mỗi điểm chỉ 1m2 và phun trên cỏ chứ không phun trên cây. Chế phẩm Ento Pro sẽ thu hút ruồi vàng tìm đến ăn và bị chết. Còn chế phẩm sinh học tẩm trong lồng bẫy là một loại khác dùng để đánh giá hiệu quả của chế phẩm sinh học Ento Pro đã phun xem lượng ruồi vàng còn nhiều hay ít.
Mỗi tuần một lần, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ lại thu hộp bẫy đưa sang Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra xem trong vùng có những chủng loại ruồi nào gây hại và hiệu quả sau khi phun chế phẩm Ento Pro ra sao, từ đó hiệu chỉnh quy trình phòng trừ.
Bà Đặng Thị Hồng đạp xe ra thăm lúa ở cánh đồng thôn Trại Hiền thuộc xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Ngắm thửa ruộng lúa tốt bời bời, bằng chằn chặn, mắt bà không giấu nổi niềm vui. Trời mưa liên tục khiến cho một số xã trong vùng lúa bị ngập úng, chết nhiều nhưng ở Hoàng Diệu lại không bị. Bà cứ vuốt từng lá lúa, cúi xuống thật gần xem chúng có biểu hiện của sâu, bệnh gì không nhưng chẳng có. Một vụ lúa mùa hứa hẹn sẽ bội thu.
Anh Tạ Viết Thiều – Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Hoàng Diệu – nơi có hơn 300ha lúa cho biết, kỹ thuật SRI (canh tác lúa cải tiến) dân ở đây đã thực hiện được vài vụ nhưng trước mới thí điểm vài ha, riêng vụ mùa năm nay HTX phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ thực hiện hẳn 20ha. Bà Hồng là một trong những hộ tham gia chương trình.
Đối với cây lúa, 5 – 7 năm nay người dân xã Hoàng Diệu về cơ bản cấy đều để gia đình ăn nên rất hạn chế việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhiều khi có sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ, lãnh đạo HTX đến từng hộ để vận động phun nhưng một số hộ vẫn không theo. Nguyên nhân chính là ngày xưa ở nông thôn không có các nghề phụ, lao động dồi dào, tập trung vào làm ruộng nên việc đắp bờ, làm cỏ sục bùn, triển khai phun thuốc rất đồng bộ, nhịp nhàng.
Thời gian gần đây nhiều lao động nông thôn đi làm công nhân hay các nghề tự do nên làm ruộng đa số là người có tuổi. Thêm vào đó nhận thức của dân đã được nâng cao, họ không còn làm nông bằng mọi giá nữa mà nghĩ đến sức khỏe của mình, của gia đình, của cộng đồng. Không chỉ 20ha trong mô hình SRI, diện tích bên ngoài cũng áp dụng những kỹ thuật tương tự.
Dân cấy thưa, cấy một dảnh vì giống lúa mới đẻ nhánh rất khỏe. Từ cấy thưa ruộng đồng thông thoáng sẽ ít phát sinh sâu bọ. Ngoài ra bà con còn áp dụng quây nilon quanh ruộng để chống chuột hay phủ bạt lên bờ để chống cỏ mọc.
“Một số hộ vẫn còn dùng thuốc trừ cỏ trên bờ dù biết hóa chất là độc hại nhưng do thiếu lao động, hoặc lao động quá già không biết dùng máy cắt cỏ nên vẫn phải chọn cách tiện lợi hơn là đeo bình đi phun thuốc trừ cỏ. Số lượng ấy tôi ước tính khoảng một vài phần trăm. Thuốc trừ ốc thì khoảng 40 – 50% hộ vẫn dùng, nhất là ở những chân ruộng trũng, năm nay mưa nhiều ốc bươu vàng rất phát triển.
Còn thuốc trừ sâu thì chỉ cỡ 20% số hộ dùng, mà số lần phun cũng rất ít. Người ta không muốn phun thuốc đã đành mà đi thuê phun thuốc cũng không dễ bởi HTX thường xuyên tuyên truyền qua các hội nghị cho bà con biết tác hại của thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc, thuốc trừ sâu hóa học”, anh Thiều giải thích.
Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) được đưa vào huyện Chương Mỹ từ khoảng năm 2006, bắt đầu là các lớp giảng viên, sau đó tuyên truyền, phổ biến tới các xã.
Những kỹ thuật chủ yếu của SRI gồm cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa để tạo hiệu ứng hàng biên giúp ruộng đồng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, cây lúa phát triển khỏe; quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. Từ năm 2007, SRI đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Đến thời điểm này hầu như các xã đều thực hiện theo SRI nhưng vẫn còn những điểm, những hộ cấy theo thói quen cũ, hơi dày, bón phân chưa cân đối, phải điều chỉnh lại. Bởi thế năm nay Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Chương Mỹ tiếp tục triển khai 8 lớp SRI theo chương trình chung của thành phố Hà Nội, còn chương trình riêng của huyện thì có 1 mô hình SRI ở xã Hoàng Diệu thực hiện trên diện tích 20ha. Thời gian tới đơn vị mong muốn thông qua chương trình SRI để tuyên truyền, giảm thiểu hơn nữa lượng thuốc BVTV sử dụng trên ruộng đồng, đặc biệt là thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc.
Tôi hỏi anh Nguyễn Minh Mỹ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Chương Mỹ trung bình lượng sử dụng thuốc BVTV trên toàn bộ diện tích canh tác của huyện là bao nhiêu thì được trả lời rằng, chỉ tính được những diện tích có sử dụng thuốc BVTV, còn nhiều diện tích không hề dùng.
Cụ thể, trên lúa năm 2022 có 15.475ha gieo trồng thì 151ha dùng thuốc trừ sâu với lượng 0,3kg/ha, 280ha dùng thuốc trừ bệnh với lượng 1,1kg/ha, 15.475ha dùng thuốc chuột, 1.355ha dùng các loại thuốc khác với lượng 0,3kg/ha, tổng lượng dùng hơn 1 tấn. Còn các loại cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả, lượng thuốc BVTV dùng là không đáng kể.
Vụ mùa năm 2023 có 6.393ha lúa thì 312ha dùng thuốc trừ sâu với lượng 0,3kg/ha; 97ha dùng thuốc trừ bệnh với lượng 0,4kg/ha; 6.393ha dùng thuốc trừ chuột; 127ha dùng các loại thuốc khác với lượng 0,3kg/ha. Vụ xuân năm 2024 có 8.519ha lúa thì 232ha dùng thuốc trừ sâu với lượng 0,4kg/ha; 88ha dùng thuốc trừ bệnh với lượng 0,4kg/ha, 8.519ha dùng thuốc trừ chuột…
Giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV mà mùa màng vẫn có năng suất là do kết quả của những lớp tập huấn về IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) mà nhất là SRI liên tục được triển khai trong nhiều năm liền. Khi còn là Trạm BVTV trực thuộc Chi cục BVTV TP Hà Nội, mỗi năm Trạm BVTV huyện Chương Mỹ tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn thực phẩm, về sử dụng thuốc BVTV an toàn, về IPM, SRI.
Cấy lúa theo SRI chỉ cần 11,6kg thóc giống cho 1ha, trong khi cấy theo tập quán phải cần 23kg thóc giống nên giảm được chi phí về giống, công cấy vì cấy thưa sẽ nhanh hơn, giảm được lượng thuốc BVTV phải sử dụng trong cả vụ vì ruộng đồng thông thoáng, cây lúa ít bị sâu, bệnh. Đặc biệt, lúa cấy theo SRI có năng suất đạt 66 tạ/ha, cho lợi nhuận đạt hơn 26,7 triệu đồng/ha so với làm theo tập quán chỉ đạt 61,6 tạ/ha, lợi nhuận chỉ đạt hơn 16,8 triệu đồng/ha.
Thông qua đó, đa số nông dân đã nhận thức được vấn đề, lắm hộ cả vụ lúa không phải sử dụng thuốc BVTV một lần nào. Điển hình như xã Thụy Hương, thị trấn Xuân Mai, xã Thanh Bình, xã Trung Hòa, xã Đông Phương Yên… hầu như không sử dụng thuốc BVTV từ năm 2013 trở lại đây.
Chỉ những vùng trũng, nếu nông dân không tổ chức được bắt ốc bươu vàng thì mới phải dùng thuốc trừ ốc. Tuy nhiên, ở xã Trung Hòa mấy năm nay nhiều nông dân không còn muốn sử dụng thuốc trừ ốc nữa vì biết là độc. Họ đã làm những hom bẫy ốc bươu vàng bằng xơ mít, rau khoai lang, khoai nước đặt trong ruộng để dẫn dụ chúng vào mà bắt, nhất là giai đoạn cày ải.
Ở xã Ngọc Hòa nông dân làm những rãnh trong ruộng để tiện cho thu bắt ốc bươu vàng. Còn ở xã Thanh Bình một số hộ trong khu vực chăn nuôi vịt khi thấy lúa bị rầy và sâu hại thì họ thả vịt ra để chúng bắt, đỡ phải phun thuốc.
Thay cho công việc đi dập dịch trước đây, giờ đội ngũ cán bộ BVTV của huyện, xã chủ yếu đi tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thăm đồng để biết về sức khỏe cây trồng. Tại các lớp tập huấn về SRI, IPM, cán bộ luôn hướng dẫn nông dân khi sâu bệnh đến ngưỡng mới phải dùng các thuốc BVTV có vạch màu xanh da trời, xanh lá cây cho đỡ độc nên đa số chọn dùng thuốc sinh học, thảo mộc.
Thông báo của cán bộ BVTV không chung chung chỉ dành cho cả cánh đồng, cả làng, cả xã mà tới từng thửa ruộng của từng hộ đã đến ngưỡng phải phun phòng hay chưa, tuy nhiên một số hộ vẫn không làm theo bởi tâm lý được thì ăn, không thì thôi, sợ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.