Theo đó, từ ngày 25/10 đến cuối năm, thành phố khảo sát phiếu tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã để tiếp tục có giải pháp mới nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. Dư luận đánh giá, hiện các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã đều đang tích cực triển khai kế hoạch này của thành phố.
Người dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ công tại bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Quang
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu: Tập trung thực hiện dưới nhiều hình thức
Để thực hiện có hiệu quả việc đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan theo Kế hoạch số 236/KH-UBND của UBND thành phố, Sở sẽ tập trung chỉ đạo điều tra, khảo sát, thu thập thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế. Quá trình triển khai được giám sát, kiểm tra chặt chẽ nhằm bảo đảm kết quả khảo sát, đo lường chính xác, khách quan, có chất lượng. Sở chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội và các cơ quan đơn vị liên quan cung cấp danh sách cá nhân, tổ chức giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ tốt nhất cho khảo sát.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm: Nâng cao trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức
Việc thực hiện đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, cơ quan, địa phương thuộc thành phố Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính. Thông qua kết quả đo lường chỉ số hài lòng, các cơ quan tiếp tục đưa ra giải pháp mới, phù hợp, mang tính đột phá để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức. Kết quả đo lường cũng sẽ được UBND các quận, huyện, thị xã công bố, thông tin kịp thời tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, tổ chức. Việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, sự đồng thuận xã hội đối với công tác cải cách hành chính.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng: Tạo thuận lợi cho việc điều tra, khảo sát
Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức theo Kế hoạch số 236/KH-UBND của UBND thành phố, huyện yêu cầu các cơ quan, xã, thị trấn triển khai đúng nội dung, tiến độ, mục đích, bảo đảm tiết kiệm. Từ các nội dung được khảo sát, đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức với các lĩnh vực tư pháp; lao động, thương binh và xã hội; đăng ký kinh doanh; quản lý đô thị, văn hóa thông tin, huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các điều tra viên điều tra, khảo sát tại bộ phận “một cửa”. Đối tượng khảo sát là cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch và đã nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị, địa bàn được khảo sát từ ngày 1-1-2021 đến thời điểm khảo sát.
Bà Nguyễn Thị Điệp, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm: Phát huy vai trò giám sát của nhân dân
Lâu nay, người dân vẫn có tâm lý e ngại mỗi khi phải đến các công sở để giải quyết thủ tục hành chính. Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiện đại, thuận tiện cho người dân, tổ chức; song trong công việc và thái độ tiếp dân của một số cán bộ thuộc bộ phận “một cửa”, cán bộ xử lý văn bản tại một số cơ quan, đơn vị vẫn bộc lộ bất cập. Do đó, việc đo lường chỉ số hài lòng của người dân chính là thước đo chính xác nhất đánh giá chất lượng phục vụ, trình độ chuyên môn… của các cán bộ; đồng thời cũng nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì Duy Tấn Thành (quận Long Biên) Trần Trí Dũng:Mong việc khảo sát, đánh giá được tiến hành thường xuyên
Tôi rất mong việc khảo sát, đánh giá chỉ số hài lòng được tiến hành thường xuyên, liên tục để người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh ý kiến của mình đến các cơ quan quản lý nhà nước. Rõ ràng, chỉ số hài lòng đã tạo sự thay đổi rõ nét về nhận thức của các sở, ngành, địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.
Thông qua việc đo lường chỉ số hài lòng của người dân, cơ quan quản lý phát huy được những ưu điểm, tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với người dân, tổ chức; từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp…, xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nguồn HNMO