Hà Nội sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Trước tình hình khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp, để giúp nông dân thích ứng với những khó khăn trong canh tác lúa, Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác, lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của Hà Nội vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác.
Trong những năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống như: Đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng ngon vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung. Theo ông Lê Văn Tỵ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Hà, huyện Đông Anh: xã Liên Hà, huyện Đông Anh cùng với việc tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Hà đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Nhờ vậy, đã hình thành cánh đồng lớn với diện tích hơn 200ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống cho người nông dân. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp thủ đô đã chỉ đạo các địa phương sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của Hà Nội. Theo đó, bộ giống lúa Japonica và các loại giống mới chất lượng cao như HD11, Đài thơm 8, TBR225, VNR10, VNR20, HDT10… đang được triển khai tại một số địa phương đã bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, việc áp dụng thâm canh lúa cải tiến SRI cũng là một trong những giải pháp đã và đang được một số địa phương trên địa bàn thành phố triển khai khai thực hiện, mang hiệu quả tốt. Điển hình như tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức đang áp dụng phương thức SRI toàn phần với toàn bộ diện tích hơn 500 ha sản xuất lúa. “Áp dụng phương pháp SRI đã giảm lượng giống trên cùng diện tích, giảm lượng phân bón, giảm một số sâu bệnh hại (sâu cuốn lá, đạo ôn, khô vằn), lợi nhuận với những diện tích ứng dụng toàn phần trung bình tăng so với sản xuất theo tập quán cũ từ 6-8 triệu đồng/ha. Với các diện tích từng phần lợi nhuận cao hơn từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, áp dụng phương pháp SRI, nông dân gần như không sử dụng tới thuốc bảo vệ thực vật bởi cấy thưa, ruộng thoáng, ít sâu bệnh. Đây là lợi ích lớn nhất mà phương pháp SRI mang lại khi giúp bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân”. Ông Nguyễn Hà Tuyển, Giám đốc HTX nông nghiệp Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức cho biết. Canh tác lúa thông minh theo phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là một giải pháp sản xuất bền vững, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và làm giảm sự gia tăng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây là biện pháp canh tác mà Hà Nội cần triển khai vừa mang hiệu quả thiết thực về kinh tế, vừa bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng như hiện nay. Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, Hà Nội triển khai các giải pháp trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác, lựa chọn các giống lúa mới, đột phá về năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Trong thời gian tới, Hà Nội cũng tăng cường chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn; ứng dụng và chuyển giao công nghệ để điều chỉnh các hoạt động sản xuất, phong tục tập quán của người dân trước những thay đổi của khí hậu./.