Mục tiêu chính của Trường là đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Chiều 4/8, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (số 45 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) đã long trọng tổ chức lễ ra mắt, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại của Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, thuộc Bộ NN-PTNT.
Trường có 3 Khoa đào tạo gồm Khoa Chính sách công, Khoa Quản trị kinh doanh nông nghiệp, Khoa Phát triển nông thôn; và 3 Trung tâm: Trung tâm Kinh tế hợp tác, Trung tâm Đào tạo nông dân và Trung tâm Chính sách nông nghiệp và PTNT.
Dự lễ ra mắt trường có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo các cơ cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
Sứ mệnh của ngôi trường mới
Trong buổi lễ ra mắt, Tiến sỹ Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phát biểu: “Mục tiêu của Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ trên là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguồn nhân lực có chất lượng ở đây được hiểu bao gồm tất cả người lao động, từ người nông dân, công nhân cho đến cán bộ quản lý, lãnh đạo, chuyên gia.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính vì vậy, các cán bộ quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần phải được đào tạo, bồi dưỡng một cách hệ thống để có được những kỹ năng phân tích và tư duy về chính sách công, qua đó có khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng của mình và giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong quá trình phát triển”.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự: “Hôm nay, tôi có 2 niềm vui, buổi sáng dự hội nghị về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, hội nghị rất hay và rất thành công. Chiều lại dự lễ ra mắt ngôi trường về đào tạo nguồn nhân lực, góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển lên một tầm cao mới. Thực ra, ngôi trường này không mới, nhưng bây giờ nó đang đổi mới, và sẽ có nhiều cái mới trong tương lai. Điều mừng hơn nữa là trong khi hầu hết các Bộ khác chỉ có một trường đào tạo cán bộ quản lý thì Bộ NN-PTNT vẫn giữ được 2 trường. Bởi những vùng nông thôn, những người nông dân là một phần rất quan trọng, không chỉ đối với những đất nước đang phát triển như Việt Nam, mà với cả những nước đã phát triển. Và ngôi trường này chính là nơi đào tạo ra những nông dân 4.0 để xây dựng nông thôn”.
Nói về tên trường có cụm từ “Phát triển nông thôn”, Bộ trưởng giải thích: Đó là vì tôi đã đi một số nước phát triển, trong đó có 3 nước châu Âu, những nước này đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng tên Bộ vẫn có cụm từ “Phát triển nông thôn”. Hay như Thái Lan, tên Bộ của họ là Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Ấn Độ thì lấy tên Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân. Điều đó cho thấy, dù phát triển đến mức nào, thì nông dân, nông thôn vẫn là những thành tố rất quan trọng của đất nước. Đây là lý do khiến tôi quyết tâm giữ lại ngôi trường này và lấy tên “Phát triển nông thôn”, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo trình độ cho người nông dân, đầu tư phát triển nông thôn. Bởi vì ở những vùng nông thôn đó không chỉ có người nông dân, mà còn có bản sắc, có truyền thống văn hóa lâu đời, là hồn cốt của dân tộc.
Một minh chứng rất rõ ràng là đất nước Hàn Quốc, dù là nước đã phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng họ vẫn xây dựng nông thôn mới như chúng ta, và đến bây giờ thành công vược bậc, trở thành di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của thế giới.
Kỳ vọng của Bộ trưởng
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong quá trình xây dựng đất nước đi lên đô thị hóa, đôi khi chúng ta đã bỏ quên nông thôn. Đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh, hiện đại giữa quốc gia này với quốc gia khác, còn nông thôn là nơi so sánh hồn cốt, văn hóa giữa 2 quốc gia.
“Nếu vì áp lực tăng trưởng, phát triển mà chúng ta quên nông thôn, tạo ra sự xung đột giữa nông thôn và đô thị, làm mất dần nông thôn, thì có thể chúng ta sẽ phải trả giá. Như Hàn Quốc, Trung Quốc, từng có thời người dân “ly hương, ly nông”, từ rời bỏ quê hương đi ra ngoài làm ăn, hoặc “ly nông bất ly hương”, tức vẫn ở nông thôn nhưng không làm nông, nhưng bây giờ Hàn Quốc lại có khẩu hiệu “quy hương, quy nông”, điều đó cho thấy, tầm quan trọng của nông thôn lớn thế nào. Và sắp tới đây, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn sẽ đào tạo ra những con người có trình độ, những cán bộ là nông dân, hiểu rõ vùng nông thôn, để họ xây dựng vùng nông thôn phát triển. Đây chính là cái khác, cái mới của ngôi trường này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
“Chúng ta cần hợp sức lại để xây dựng những bộ giáo trình chuyên sâu về văn hóa nông thôn, về môi trường, con người, bản sắc ở các vùng nông thôn. Sau đó học hỏi thêm cách xây dựng nông thôn mới từ các nước đi trước như Hàn Quốc. Hoặc như Trung Quốc đang thực hiện chương trình mang tên “Chấn hưng nông thôn”.
Chúng ta đang hình thành sự xung đột giữa đô thị với nông thôn. Do không được đầu tư tương đối, nên vô hình trung đã tạo ra khoảng cách quá xa về sự phát triển giữa 2 vùng này, từ đó gây tổn thương cho người dân nông thôn, vì thế, họ cũng “đô thị hóa” theo, dẫn đến hệ lụy về cảnh quan, môi trường. Vì thế, bây giờ chúng ta có nhiệm vụ không tạo ra sự xung đột, mà tạo ra sự hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp. Tạo ra những giá trị mới từ nông thôn mà thế giới họ dùng thuật ngữ là “Nông thị”, tức là đô thị nông thôn, xây dựng, phát triển hiện đại, nhưng vẫn giữ được hồn cốt của vùng quê. Và xây dựng những vùng nông thôn thành những vùng quê đáng sống, để những người ở đô thị cũng phải khát khao được về sống ở đấy”, Bộ trưởng nói.
“Tôi mong rằng, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn sẽ khởi tạo được một nguồn năng lượng mới, hành trình mới, gắn liền với một trọng trách cao cả, đó là xây dựng một hệ thống đào tạo, giáo dục hiệu quả như sứ mệnh mà ngôi trường được giao. Nếu chưa có kinh nghiệm thì chúng ta học hỏi dần dần, sửa dần dần. Hoặc trường có thể mời một hội đồng tư vấn từ các trường nổi tiếng, có kinh nghiệm đến tư vấn cho mình. Tôi tin là chỉ cần tập thể lãnh đạo trường đoàn kết, quyết tâm, thì chắc chắn sẽ thành công. Và trong tương lai, chúng ta sẽ có những nông dân ưu tú, giỏi về nông nghiệp, nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.