Phát biểu khai mạc TS. Lê Xuân Rao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội chia sẻ: hiện nay Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động, hấp dẫn đầu tư trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như một mũi nhọn, được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.
TS. Lê Xuân Rao – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc. Ảnh Đỗ Phương
Chia sẻ về chiến lược AI, khả năng ứng dụng trong phát triển kinh tế số Thủ đô, TS. Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho biết: câu chuyện Trí tuệ nhân tạo hiện nay không đơn giản vì vậy phải có chiến lược kiểm soát, hệ thống và kế hoạch. Trí tuệ nhân tạo là ngành khoa học nằm trong lĩnh vực khoa học máy tính. Đây là một trong ngành gây nhiều tranh cãi nhất trong các ngành khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Đỗ Phương
TS. Nguyễn Xuân Hoài cũng cho biết, hiện nay có 2 loại Trí tuệ nhân tạo, đó là: Trí tuệ nhân tạo tổng quát và Trí tuệ nhân tạo cụ thể. Theo đó, Trí tuệ nhân tạo tổng quát là: mục đích xây dựng robot, chương trình AI có thể trở thành giống loại mới tự nhân thức lý trí hay nhận thức. Quan hệ AI với con người như nào. Có cảm xúc nhận thức cạnh tranh với con người; Trí tuệ nhân tạo cụ thể: mô phòng 1 số hành vi của con người như nhận diện khuôn mặt, nhận dạng âm thanh, chuyển văn bản,…
Trí tuệ nhân tạo hiện nay đã làm thay đổi thế giới, nhiều hệ thống AI đã bằng và vượt xa con người. TS. Nguyễn Xuân Hoài đưa ra một thực tế về chơi cờ vua là người có trí tuệ tốt và phải mất rất nhiều năm để thành người chơi cờ giỏi nhất tuy nhiên so công nghệ AI chỉ sau một, hai tháng huấn luyện AI có thể thắng bất kỳ đối thủ nào.
Tám năm gần đây, AI được ứng dụng mọi góc cạnh của đời sống, thay đổi hoàn toàn cách thức quản trị xã hội và cao nhất là thể chế. 60 quốc gia đã xây dựng chiến lược phát triển AI quốc gia, Việt Nam chúng ta cũng đã xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo quốc gia.
Để phát triển kinh tế số chúng ta phải tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Một ngày trên thế giới tạo ra dữ liệu bằng toàn bộ dữ liệu hai nghìn năm trước đây. Phát triển kinh tế số cũng dựa trên khai thác dữ liệu. TS Hoài ví “dữ liệu là dầu mỏ mới” dầu mỏ sau khai thác phải qua quá trình công nghệ lọc vậy để phát triển kinh tế số dựa trên dữ liệu phải có công nghệ số và công nghệ hiện nay để lọc chính là trí tuệ nhân tạo.
TS. Đặng Xuân Hoài (người ngồi giữa) chia sẻ về tiềm năng cũng như thách thức khi ứng dụng AI phát triển kinh tế số của Hà Nội. Ảnh Đỗ Phương
Ứng dụng AI trong phát triển chính quyền số và kinh tế số tại Hà Nội
Trong bối cảnh hiện nay của Hà Nội nên ưu tiên phát triển AI để thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. TS. Đặng Đức Mai – Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội còn chia sẻ: Dùng AI để phát triển kinh tế số nên tập trung vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả tức thì, làm từ những cái nhỏ nhưng phải làm đến cùng. Một trong các ứng dụng cần ưu tiên như số hoá ngân hàng, chuyển hoàn toàn sang ngân hàng số. Ngân hàng tác động trực tiếp nhất của nền kinh tế. Đưa AI vào nông nghiệp cho Hà Nội cũng rất quan trọng, đây là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân và Hà Nội là nơi có điều kiện ứng dụng AI nhiều nhất. Tiếp đó là thương mại điện tử trong nhiều khâu như tạo ra chào hàng thông minh đúng yêu cầu người dùng, tạo đơn giao hàng thuận tiện và nhanh chóng.
TS. Đặng Đức Mai phát biểu tại hội thảo. Ảnh Như Bảo
Một cách tổng quan, TS. Đặng Xuân Hoài chỉ ra: Đối với doanh nghiệp: thực tế hiện nay AI đã và đang được ứng dụng vào mọi hoạt động, mọi thành phần của doanh nghiệp. ¾ doanh nghiệp tin và sử dụng AI để phát triển. AI ứng dụng mọi hoạt động hay ngành nghề lĩnh vực giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh.
Trong chính quyền: xây dựng chính quyền số là quá trình chuyển đổi số của tỉnh, TP là chuyển đổi công tác vận hành của tỉnh sang vận hành trên nền tảng số theo mô hình chính phủ số, định hướng chính phủ phục vụ, hiệu quả, công khai, minh bạch, hướng dữ liệu.
Trong Chính phủ số: Hướng người dân và doanh nghiệp, hướng dịch vụ (chính phủ phục vụ) và hướng dữ liệu (ứng dụng AI và các công nghệ số).
Đô thị thông minh: là đô thị phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu của chính quyền, người dân doanh nghiệp trên các khía cạnh kinh tế vận hành xã hội, môi trường. Xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng CNTT, số hoá, áp dụng công nghệ số nhằm cung cấp các dịch vụ công hiệu quả an toàn, hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo kinh doanh và kinh tế số.
Những thách thức trong việc phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo
Trên thực tế, Hà Nội cũng đang khai thác tiềm năng rất hiệu quả từ AI. Mới đây quận Cầu Giấy đã ra mắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI chatbot) hỗ trợ hỏi, đáp thủ tục hành chính. Đây là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ này. Về lĩnh vực nông nghiệp, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn huyện Chương Mỹ đã sử dụng AI trong sản xuất nông nghiệp, lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh,… Để giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống biển báo thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cảnh báo các tài xế xe quá khổ.
Bên cạnh đánh giá cao các tiềm năng của AI, tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập đến những điểm cần lưu ý khi ứng dụng AI trong phát triển kinh tế số của Thủ đô.
Ông Đặng Xuân Hoài cho biết AI cũng có nhiều rủi ro cần kiểm soát như: rủi ro về sai hỏng trong các hệ thống AI; độ chính xác, tính cập nhật của mô hình, khả năng thay đổi, bảo trì, ….; rủi ro về đạo đức; rủi ro đến từ người sử dụng AI; mối quan hệ giữa AI và con người,…
Theo đó, TS Nguyễn Xuân Hoài đưa ra một số đề xuất để xây dựng chiến lược phát triển Trí tuệ nhân tạo:
Một là, việc phát triển, ứng dụng AI ở cấp độ tổ chức hay một tỉnh, thánh phố, quốc gia cần có chiến lược đúng đắn, nhất quán, linh hoạt. Cần có mục tiêu chiến lược trở thành trung AI của cả nước, vùng, khu vực, đẩy mạnh kinh tế số.
Hai là, Chiến lược phát triển AI của thành phố cần tính đến tất cả các yếu tố liên quan đến phát triển và ứng dụng AI: công nghệ, hạ tầng, con người, thị trường, cơ chế, chính sách, pháp luật, đạo đức, văn hóa…
Ba là, chiến lược AI của thành phố cần nhất quán với chiến lược AI quốc gia.
Cùng đưa ra kiến nghị để áp dụng AI vào phát triển kinh tế Thủ đô TS. Đặng Đức Mai đề xuất: Hà Nội chưa có đề án triển khai Trí tuệ nhân tạo một cách khả thi, đâu đó có đề xuất kế hoạch nhưng còn nhỏ chưa đáp ứng được. Vì vậy, Hà Nội cần có kế hoạch chiến lược khả thi để làm theo từng bước tránh manh mún nhỏ lẻ không hiệu quả; cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào AI, các nhóm doanh nghiệp thiếu vốn, các chính sách hỗ trợ chưa tới được doanh nghiệp. Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước vì vậy nên có chính sách đào tạo phát triển thu hút nhân tài.
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo, cơ hội – thách thức và khả năng ứng dụng trong phát triển kinh tế số Thủ đô là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, khách mời, doanh nghiệp thảo luận về cơ hội và thách thức mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho Thủ đô Hà Nội. Qua đó có thể xây dựng một mạng lưới hợp tác, tập hợp những ý tưởng sáng tạo và giải pháp tiên tiến để thúc đẩy phát triển kinh tế số Thủ đô Hà Nội và cũng là góp phần thực hiện mục tiêu tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 “Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới”.
VIDEO Toàn cảnh sự kiện
Nguồn: vnautomate.net