Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.
Tổng Bí thư đã có nhiều chỉ đạo giúp các ngành, các cấp, các địa phương xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng công tác vận động đội ngũ trí thức.
Báo Hànộimới ghi lại những ý kiến, tình cảm của các nhà khoa học Thủ đô khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội:
Cống hiến đặc biệt xuất sắc
Tôi rất buồn và thương tiếc khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông, một nhà lãnh đạo giàu tình người, đức độ tài năng, một đời phục vụ sự nghiệp cao quý của Đảng và đất nước đến hơi thở cuối cùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các nhà khoa học tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà, tháng 5-2023. Ảnh: Tư liệu
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô. Tôi đã nhiều lần được gặp mặt và trò chuyện với Tổng Bí thư, khi ông còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Có hai kỷ niệm của ông với giới trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô mà tôi nhớ mãi.
Đó là việc ông đã quan tâm, chỉ đạo để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội có trụ sở làm việc độc lập như ngày nay tại tòa nhà 67 Bà Triệu. Sự gần gũi, chân tình của người lãnh đạo luôn quan tâm, ủng hộ và chia sẻ những khó khăn, vất vả chính là nguồn động viên to lớn đối với giới trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô vượt khó vươn lên, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.
Ông còn là người đã khởi xướng và thực hiện việc Thường trực Thành ủy Hà Nội hằng năm gặp gỡ đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo, bí thư, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô để cùng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Và nay đã trở thành sự kiện thường niên như một nét đẹp mỗi dịp xuân về.
Lần gần đây nhất tôi được gặp ông là tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 – 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023). Tôi luôn nhớ đến lời căn dặn của ông, người trí thức ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà, tháng 5-2023. Ảnh: Tư liệu
Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cống hiến đặc biệt xuất sắc vào kho tàng lý luận của Đảng và Nhà nước ta, trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm về chỉnh đốn và xây dựng Đảng, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về mô hình và bước đi của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Các tác phẩm này phản ánh giá trị về cả tư tưởng, lý luận và thực tiễn, đúc kết được những vấn đề có tính quy luật trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Trong đó phải kể đến công trình mà ông đã dày công nghiên cứu và có nhiều phát hiện mới là tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tác phẩm là sự tổng kết quá trình đổi mới gắn liền với con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn với điểm cốt lõi nhất là xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đây chính là định hướng cho toàn Đảng, toàn dân đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội):
Nhà lãnh đạo vì nước, vì dân, cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng
Lần đầu tiên tôi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2006, khi ông đến dự lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn tôi là cựu học viên lớp đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức (năm 1966) được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện.
Đến năm 2015, tôi lại được gặp ông khi ông đến dự Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội lần thứ VII. Hôm ấy, tại gian trưng bày các thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô, tôi đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm khoa học do Trung tâm vật liệu mới chế tạo. Tổng Bí thư đã lắng nghe rất chăm chú và động viên, khen ngợi nhóm nghiên cứu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày các thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô năm 2015. Ảnh: Tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo vì nước vì dân, cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, làm việc chiến đấu cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Thành công lớn nhất trong sự nghiệp của ông chính là công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng được bộ máy quản lý đất nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Những năm cuối đời, dù đi lại khó khăn nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt khi ông đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức nước nhà (18/5/1963 – 18/5/2023). Chúng tôi rất xúc động khi ông bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cả nước, đồng thời, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc của các nhà khoa học chúng tôi.
Nhớ lời dặn dò của ông: “Tầng lớp trí thức là hiền tài, nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước; làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi. Trách nhiệm của trí thức Việt Nam là lực lượng chính đưa khoa học và công nghệ, trí thức sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không phụ sự tin tưởng này.