Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đội ngũ trí thức Thủ đô

Micviet
Micviet
  1. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội – Ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức Thủ đô

Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị Khóa V về chính sách khoa học và kỹ thuật, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội Khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 18/NQ/TU ngày 31/8/1982 về khoa học – kỹ thuật. Ngày 09/12/1982, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội được thành lập với 101 hội viên sáng lập, trong đó có 33 đại biểu trí thức của Trung ương và 68 đại biểu trí thức của Thành phố. Sau 10 năm, ngày 28/3/1992, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 591/QĐ-UB đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (gọi tắt là Liên hiệp Hội Hà Nội). Đến nay, sau 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội đã có 38 Hội thành viên, 6 hội viên liên kết (là các doanh nghiệp KH&CN) và một số hội cơ sở (trong đó có 1 Hội khoa học và kỹ thuật cấp phường), 18 tổ chức KH&CN (Viện và Trung tâm nghiên cứu) trực thuộc với hơn 50.000 hội viên.

Suốt chặng đường 42 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức Thủ đô luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, cống hiến tích cực, bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm với tình yêu Hà Nội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh giàu đẹp. Những năm gần đây, các hoạt động của Liên hiệp Hội Hà Nội và các Hội thành viên đã đi vào những vấn đề đang được thành phố và cộng đồng quan tâm như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, định hướng mục tiêu phát triển thành phố hài hòa giữa bảo tồn, tái thiết và xây dựng mới.

Một trong những bài học quý báu của Liên hiệp Hội là: Tập hợp, đoàn kết tất cả trí thức trên địa bàn Thủ đô, luôn gắn bó với Đảng bộ và chính quyền Thành phố với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không dao động ngả nghiêng; hướng mọi hoạt động của Liên hiệp Hội vào việc thực hiện các nhiệm vụ của hội, các chương trình kinh tế – xã hội của thành phố; thường xuyên đổi mới và phối hợp các hoạt động của Liên hiệp Hội với các hội thành viên và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.

  1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm huyết xây dựng đội ngũ trí thức

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và các lực lượng lao động xã hội khác với trí thức đã củng cố và gia tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ trí thức. Ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, đội ngũ trí thức phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bản thân người trí thức phải xác lập cho mình hệ tư tưởng vững vàng – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà – Nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 24/11/2023 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đã ký ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 – 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023) Tổng bí thư đã nói: “Tầng lớp trí thức là hiền tài, nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước; làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi. Trách nhiệm của trí thức Việt Nam là lực lượng chính đưa khoa học và công nghệ, trí thức sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

(Toàn văn Bài phát biểu của  Tổng bí thư có thể đọc tại https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-gop-to-lon-trong-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc-102230324174212424.htm)

  1. Kỷ niệm của Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 23/5/2015 Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gian hàng trưng bày các thành tựu khoa học và công nghệ của Liên hiệp hội Hà Nội.

KS. Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội, người đã từng gặp mặt và trò chuyện vài lần với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xúc động nhớ lại “Lần đầu tiên tôi được gặp mặt Tổng Bí thư vào năm 2006, lúc đó Tổng Bí thư là Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc bài phát biểu nhân dịp Kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn tôi là cựu học viên lớp đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức năm 1966 được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Lần thứ 2 là vào năm 2015, nhân dịp Đại hội Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội lần thứ VII tại Cung Văn hóa hữu nghị. Tôi đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm khoa học do Trung tâm vật liệu mới chế tạo. Tổng Bí thư cũng đã động viên, khen ngợi nhóm nghiên cứu”.

Đại hội đại biểu Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 (Ảnh: hanoimoi)

KS Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới (Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội) (người chỉ tay) đang giới thiệu với Tổng Bí thư về các sản phẩm KH&CN của Trung tâm

(Ảnh: Tư liệu TTXVN do nhân vật cung cấp)

Đối với KS. Bùi Công Khê, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo mang tinh thần: “Tất cả vì nước vì dân”, một con người luôn cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng, làm việc chiến đấu cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng./.

Bài: LTH

Chia sẻ bài viết này