Có một thực tế là khu vực nông thôn trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng hiện chưa thu hút được lực lượng trí thức trẻ về lao động, cống hiến. Nguyên nhân là sự mất cân đối giữa “đầu vào” và “đầu ra” trong đào tạo cũng như cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí thức trẻ phát huy năng lực, yên tâm gắn bó lâu dài với nông nghiệp, nông thôn.
Trí thức trẻ về sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Quốc Ân.
Sẵn nguồn lực mà vẫn thiếu nhân lực
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), cho biết: HTX hiện có 36 thành viên (trong đó có 1 thạc sĩ, 4 kỹ sư, 1 cử nhân), sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi và xây dựng được thương hiệu. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 12 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/ người/ tháng. Do sử dụng công nghệ cao (viễn thám, quan trắc thời tiết, tưới nhỏ giọt – tự động…) nên rất cần nhân lực trình độ cao. Theo ông Thám, hàng chục HTX sử dụng công nghệ cao ở Hà Nội nhưng cũng chỉ “tải” được một số lượng kỹ sư, cử nhân nhất định; các HTX nông nghiệp (HTXNN) truyền thống vẫn sử dụng nhân lực tại chỗ, không hấp dẫn được các tri thức trẻ về làm việc.
Còn theo ông Nguyễn Phan Tám, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTXNN Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai), Hội đồng Quản trị HTX hiện có 6 người, trong đó 1 người có trình độ cao đẳng, 1 trình độ trung cấp, đều học tại chức.
Thực tế ở 2 HTX nói trên cũng là thực trạng chung tại hầu hết các HTX ở Hà Nội hiện nay. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hà Nội hiện có 1.210 HTXNN ở 23 quận, huyện, thị xã; tổng số cán bộ quản lý, điều hành là 6.175 người (trình độ đào tạo sơ cấp – trung cấp là 2.496 người, trình độ cao đẳng – đại học là 1.148 người). Phần lớn những người có bằng cấp đều là đi học theo hình thức chuyên tu, tại chức, trong đó rất nhiều người thuộc lứa tuổi trung niên… Vì thế, không chỉ hiện nay mà kể cả những năm tới đây các HTXNN vẫn rất thiếu nhân lực trẻ có trình độ cao.
Hà Nội có lợi thế lớn là nơi tập trung nhiều trường đại học, hằng năm số sinh viên tốt nghiệp vừa đông về số lượng vừa đa dạng ngành nghề, phủ kín các lĩnh vực. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ: Phần lớn trong số này tiếp tục ở lại thành thị hoặc những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, số về khu vực nông thôn, miền núi rất ít và không gắn bó lâu dài. Mặc dù trong những năm qua Nhà nước và Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách nhằm điều tiết nguồn nhân lực, bảo đảm sự phát triển công bằng, bền vững giữa các khu vực nhưng vì nhiều lý do nên việc cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, miền núi còn rất hạn chế, cả về số lượng và chất lượng.
Theo Thạc sĩ Nghiêm Xuân Mừng, giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, một phần do việc đầu tư còn dàn trải, thiếu hiệu quả. Riêng về nguồn lực con người, cụ thể là việc đào tạo, bố trí, sử dụng trí thức trẻ thì vẫn còn mất cân đối lớn giữa “đầu vào” và “đầu ra”. Nhiều trí thức trẻ khi về xã, thôn, HTX chỉ được giao việc bằng miệng, không có văn bản, phải làm phụ việc, tạp vụ…, chưa có hoặc khó có cơ hội dự tuyển viên chức. Tỷ lệ trí thức trẻ được tuyển dụng rất thấp, kể cả những người được đánh giá là “được việc”. Những hạn chế trong việc cung cấp, bổ sung nguồn nhân lực, nhất là đưa trí thức trẻ về nông thôn, cần sớm được xem xét, giải quyết một cách khoa học, bài bản.
Cần có giải pháp đồng bộ
Ngoại thành Hà Nội đã có chuyển động đáng ghi nhận khi ngày càng có nhiều HTX áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, và cũng bởi vậy mà ngày càng có nhu cầu lớn hơn về nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5-12-2017, Sở NN&PTNT đã thực hiện hỗ trợ các HTXNN đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện đã có trên 60 HTXNN áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ…, 43 HTXNN xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối…
Ông Nguyễn Duy Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), khẳng định: Khi ngành Nông nghiệp phải cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, cần nắm bắt, chuyển giao, ứng dụng công nghệ được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế… thì việc đưa trí thức trẻ về nông thôn là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, kỹ sư Nguyễn Tuyết Mai, thành viên HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, cho biết: “Tôi và nhiều trí thức trẻ đã “đầu quân” cho các HTXNN ứng dụng công nghệ cao, nhưng đa số HTXNN truyền thống thì chưa tạo ra được sức hút đáng kể”.
Thiếu và yếu, đó là tình trạng chung về nhân lực ở các HTXNN truyền thống. Cho đến nay, việc bố trí công chức, viên chức gắn với yêu cầu chuẩn hóa trình độ mới chỉ thực hiện đến cấp xã, chưa xuống đến thôn và các HTX. Ông Nguyễn Phan Tám, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTXNN Ngọc Than cho rằng, để định hướng và đưa trí thức trẻ về nông thôn, về các HTX, cần có giải pháp đồng bộ, không chỉ là việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đãi ngộ… mà còn phải đặt trong tương quan với các thành viên khác của HTX về mức lương, cơ hội phát triển…
Ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTXNN Yên Trung (huyện Thạch Thất) cho biết, Hội đồng Quản trị của HTX có 4 người (1 trình độ đại học, 2 cao đẳng, 1 trung cấp) đều học tại chức. Dù rất muốn và đã tìm kiếm nhiều năm nhưng việc trí thức trẻ về quê lập nghiệp vẫn “hiếm có, khó tìm”, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ngoài cơ chế, chính sách thu hút, ông Thạch cho rằng, để tăng sức hút đối với nhân lực trẻ có chất lượng, HTX phải cải tiến phương thức quản lý, tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao.
Phó Bí thư Đoàn xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Gia Khoa khẳng định, việc hướng và đưa trí thức trẻ về nông thôn là chủ trương đúng đắn nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Hiện có nhiều cán bộ trẻ công tác tại vùng nông thôn, rất nhiều người khác sẵn sàng về phục vụ quê hương. Đơn cử, cán bộ đoàn cấp xã đều có bằng đại học; hầu hết bí thư chi đoàn đang học hoặc học xong đại học, cao đẳng… Tuy vậy, đoàn viên, thanh niên ở thôn và các HTX còn nhiều tâm tư về chế độ chính sách, điều kiện phát triển. Cần phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc cùng với các cấp, các ngành tuyên truyền, động viên, hỗ trợ để anh chị em yên tâm công tác lâu dài.
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, trong thời gian công tác, trí thức trẻ phải được tạo điều kiện thi tuyển công chức (các cấp) và các hình thức tuyển dụng khác theo quy định, được bố trí vào các chức vụ thông qua bầu cử. Nếu không được bố trí vào các chức danh, hoặc không được tuyển dụng công chức thì nên xem xét, sắp xếp hoạt động không chuyên trách cấp xã để họ tiếp tục công tác, từng bước tham gia thi tuyển công chức hoặc bố trí vào các chức vụ thông qua bầu cử.
Để có bước đột phá về nhân lực ở các HTXNN, các cơ sở sản xuất ở vùng nông thôn, rõ ràng là chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề. Theo Tiến sĩ Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, trí thức trẻ là nguồn lực mà khu vực nông thôn cần đến nhất vì họ có tinh thần xung kích sáng tạo, dám chịu khó khăn, gian khổ và có trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Để hướng và đưa trí thức trẻ về nông thôn, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, các ban, ngành cần tập trung làm tốt 4 vấn đề.
Thứ nhất, hoạch định chính sách dài hạn, khả thi, xác định rõ mấy nội dung: Đưa trí thức trẻ về cơ sở là “tăng cường” (có thời hạn hay lâu dài), có thuận lợi (thêm nhân lực có chất lượng) hay nảy sinh khó khăn gì (có dễ hòa nhập, đồng thuận với cán bộ cơ sở)… Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức để lớp trẻ hướng về, muốn về tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thứ ba, tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm, tôn trọng để họ tự nguyện ở lại, sống và phát huy tài trí. Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và tâm tư nguyện vọng của trí thức trẻ… Qua từng giai đoạn, cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách, bổ sung giải pháp kịp thời và phù hợp.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực cung cấp nguồn lực cần thiết (tài nguyên, nhân lực, tài chính…) để người dân khu vực nông thôn có được sinh kế ổn định và bền vững. Tiến sĩ Vũ Đăng Minh cho rằng, để tạo đột phá về công tác tạo nguồn thúc đẩy việc chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, cần nhanh chóng bắt tay vào việc khảo sát, dự báo về nhu cầu, khả năng tuyển dụng, chính sách đáp ứng để có thể cân đối việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng trí thức trẻ.
Công tác phối hợp liên ngành cần tạo ra cơ chế bảo đảm “đầu ra”, giúp trí thức trẻ có cơ hội phát triển, từ đó tạo thêm sự hấp dẫn cho “đầu vào”, lôi cuốn nhiều trí thức trẻ tự nguyện về vùng nông thôn sinh sống, lập nghiệp. Cần kết hợp tốt việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn với việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường đội ngũ trí thức trẻ ở nông thôn, phát huy hiệu quả các nguồn lực đã được đầu tư, cùng với đó là khơi dậy và phát huy nguồn lực tại chỗ để đẩy nhanh quá trình phát triển.
Theo https://hanoimoi.vn/