Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, nhiều điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Thủ đô sẽ được tháo gỡ.
Giới thiệu các sản phẩm “Make in Bách khoa” tại triển lãm Thành tựu khoa học và công nghệ Thủ đô 2024
Nhận diện những hạn chế
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hiện nay, thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ với 156/750 doanh nghiệp. Tuy đạt được những thành tựu đáng kể nhưng việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Hà Nội vẫn còn hạn chế nhất định. Thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ. Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước nhưng việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm…
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận xét, Hà Nội hiện chưa huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường khoa học và công nghệ; chưa phát huy tốt vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong liên kết với các viện, trường trên địa bàn… Việc xác định giá trị của sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn…
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, nguyên nhân của những hạn chế trên là do hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ chưa đồng bộ. Trong đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn thiếu. Các tổ chức trung gian tư vấn chuyển giao công nghệ còn ít, đặc biệt là các tổ chức có chức năng định giá công nghệ, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ thị trường công nghệ chưa được tổ chức hiệu quả.
Hệ thống thông tin và dịch vụ khoa học công nghệ chưa làm tốt vai trò trung gian, thúc đẩy sự trao đổi thông tin cung – cầu. Việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp còn mất nhiều thời gian. Đáng chú ý, Hà Nội chưa có một “ngân hàng” lưu trữ đầy đủ các thông tin về kết quả khoa học và công nghệ, dẫn đến có nhiều đề tài, dự án đã được nghiên cứu nhưng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lại không biết để tìm đến.
Sớm tận dụng hành lang pháp lý mới
Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua có rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, những cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp… được quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hành lang pháp lý để Hà Nội tháo gỡ những “điểm nghẽn” hiện nay.
Từ thuận lợi đó, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, Hà Nội sẽ phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kết nối toàn quốc và quốc tế. Cùng với đó, thành phố hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ…
Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn là chủ thể nghiên cứu.
Còn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội cần kết nối nền tảng trực tuyến về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong các viện, trường nhằm tăng cường hoạt động ứng dụng, triển khai và thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
“Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào quý I-2025. Khi sàn đi vào vận hành sẽ kết nối cung – cầu, trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ giữa viện, trường, doanh nghiệp, địa phương; quảng bá sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn thông tin thêm.
Thu Hằng: https://hanoimoi.vn/