Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, những kết quả của ngành GTVT đã tạo nên diện mạo mới, làm nức lòng người dân.
Sáng 28/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện nhiều ban, bộ, ngành và điện diện nhiều ủy ban của Quốc hội. TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng có mặt tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 Dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông – Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP HCM, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất….Đồng thời, hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ dự kiến đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Nhấn mạnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành GTVT không chỉ trong năm tới mà còn trong cả nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Thắng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ đó giúp ngành GTVT tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các mục tiêu, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Những thước phim, báo cáo, tham luận tại hội nghị cho thấy những kết quả vô cùng ấn tượng, tự hào của ngành GTVT trong năm 2023. Kết quả ấy đã tạo nên diện mạo mới của giao thông Việt Nam, đặc biệt là giao thông đường bộ.
Những kết quả này cũng làm nức lòng người dân và tác động lớn đến kết quả phát triển KT-XH đất nước.
TSKH Phan Xuân Dũng.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, những gì Bộ GTVT đạt được, bên cạnh sự nỗ lực rất lớn với nhiều giải pháp đột phá dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, một yếu tố không thể không nhắc tới là các Bộ GTVT đã tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn được Bộ GTVT xin ý kiến tham vấn rất nhiều vấn đề.
Riêng năm 2023, khi nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đã cử Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy trực tiếp phối hợp với Liên hiệp Hội, triển khai 2 hội nghị là: Hội nghị lựa chọn phương án tối ưu cho đường sắt Việt Nam được tổ chức tháng 7/2023 có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học.
Tới tháng 12/2023, hội nghị, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được gì đối với dự án hàng chục tỷ USD là dự án đường sắt tốc độ cao tiếp tục được tổ chức. Kết quả các hội nghị đã được báo cáo đến Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan. Được sự tin tưởng của Bộ GTVT, các nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến xác đáng.
“Cũng phải nói thêm, trong suốt thời gian qua, 3,7 triệu hội viên trong 22 triệu trí thức của Liên hiệp Hội luôn được Đảng, Nhà nước tham vấn các vấn đề quan trọng của đất nước. Riêng ngành GTVT là ngành sử dụng ngân sách Nhà nước vào loại bậc nhất trong các ngành KT-XH. Đây là thị trường lớn cho doanh nghiệp, khoa học công nghệ Việt Nam”, TSKH Phan Xuân Dũng nói và cho biết sẽ trên cơ sở đó sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét, trao thị trường này cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là lĩnh vực cơ khí và cho các nhà khoa học Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam, nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có năng lực để thực hiện nhiều công trình quy mô. Thực tế đã chứng minh qua các công trình lớn như: cầu Mỹ Thuận, cầu Bạch Đằng…
Theo https://baomoi.com/