Chức năng quan trọng nhất
Để thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14/2000, trong đó chỉ rõ: “Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương chính sách, các chương trình, dự án KH-CN, môi trường và phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện”. Bước hoàn thiện mới trong cơ sở pháp lý về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam đã được quy định cụ thể và chi tiết tại các quyết định 22/2002, 14/2014… về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Và, phải đến năm 2013 Hà Nội mới thực sự ban hành quy định về tư vấn, phản biện. Trong đó, Đề án “Quy chế tư vấn phản biện và giám định xã hội” của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, đã được chuẩn bị từ năm 2010, đã được các Sở, ban, ngành và Văn phòng UBND TP thẩm định và trình lên UBND TP. Đề án đã được UBND TP ra quyết định phê duyệt số 71/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013.
Tiếp đó, Liên hiệp hội đã tổ chức Hội nghị BCH Liên hiệp Hội và các Hội thành viên thảo luận quán triệt và thực hiện Quyết định số 71/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của UBND TP. Hà Nội Quyết định về việc ban hành Quy định tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị Quyết định ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Như vậy là, phải sau rất nhiều năm ra đời và hoạt động, Liên hiệp Hội Hà Nội mới có được các cơ sở pháp lý đảm bảo cho các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên
Tuy nhiên, mặc dù ra đời trong thời kỳ bao cấp rất khó khăn, nhiều vấn đề được đặt ưu tiên trước mắt. Song, trên tinh thần xác định: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là sự thực hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức vì lợi ích cộng đồng nhằm tăng cường phản biện, cung cấp cơ sở khoa học cho các đề tài, dự án. Ngay từ những ngày đầu thành lập, những nhà trí thức khoa học công nghệ Hà Nội đã luôn chú trọng tới công tác tư vấn, phản biện. Nên, trong quyết định thành lập Liên hiệp Hội ghi rõ “Tư vấn, phản biện, giám định xã hội về các vấn đề khoa học – công nghệ, kinh tế – xã hội… theo yêu cầu của cơ quan Đảng, Chính quyền và các tổ chức khác của Hà Nội.” Và là một trong sáu chức năng nhiệm vụ của Liên hiệp Hội.
Từ trước khi có quyết định của UBND Thành phố về Quy chế “Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội” của Liên hiệp Hội, Liên Hiệp Hội và các Hội thành viên đã thực hiện tốt “Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội” có nhiều ý kiến đóng góp cho Thành phố và các ngành trong việc xây dựng và thực hiện các Dự án Luật trình Quốc hội, các Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng và một số Nghị quyết của Trung ương Đảng, các đề án và chương trình của Thành phố.
Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành và liên ngành đóng góp nhiều ý kiến, tư vấn hoàn chỉnh các chương trình kinh tế – xã hội lớn của Thành phố, các dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X; các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố; các chương trình của Thành ủy; các dự luật và pháp lệnh của Quốc hội… Liên hiệp Hội cũng đã tổ chức phản biển góp ý kiến hoàn chỉnh một số đề án của Thành phố như: Đề án Thị trường lao động, Đề án Thị trường khoa học và công nghệ. Ở giai đoạn trước, nổi bật nhất là việc Thành phố giao cho Liên hiệp Hội tổ chức phản biện và nghiệm thu 17 tập Bách khoa thư Hà Nội để in ấn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và một số công trình lớn khác của Thành phố như: xe điện ngầm và trên không, cửa ô phía Nam, thành phố hai bên bờ sông Hồng, đề án Cải cách giáo dục, tăng giảm học phí,…
Có thể khẳng định, trong hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, qua nghiên cứu, phản biện của Liên hiệp hội đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, giúp cho các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành có thêm thông tin khoa học cần thiết để chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án phát triển của tỉnh.
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, với tính chất một Hội đặc thù, quy tụ những trí thức Thủ đô, trong mọi giai đoạn phát triển, bài học kinh nghiệm sâu sắc được Liên hiệp Hội rút ra là: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là chức năng quan trọng nhất của Liên hiệp Hội và các hội thành viên. Làm tốt chức năng này là nâng cao vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội trong hệ thống chính trị của Thành phố.
… Nâng tầm vị thế
Khẳng định mình và cũng nâng tầm vị thế, những năm qua, Liên hiệp Hội Hà Nội với tính chất của một tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội cũng như luôn chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, các đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế – xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định.
Từ năm 2010, Liên hiệp Hội chủ động cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, tham gia với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự án “Luật Thủ đô”, nhiều ý kiến đã được tiếp thu chỉnh sửa. Khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Liên hiệp Hội tiếp tục đóng góp ý kiến thực hiện một số quy định của Luật về các lĩnh vực Khoa học công nghệ, Giáo dục đào tạo, các Nghị quyết cụ thể hóa của Hội đồng nhân dân. Đồng thời cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý cho Đồ án Quy họach chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050